Ông Nguyễn Thế Minh – phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) – cho biết với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km, tốc độ từ 60-80km/h. Bên trái ảnh là rào chắn đoạn nối tiếp vào cao tốc từ Cam Lâm đi Vĩnh Hảo đang được thi công, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa - Ảnh: T.T.D.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài 49,1km, tốc độ từ 60-80km/h. Bên trái ảnh là rào chắn đoạn nối tiếp vào cao tốc từ

Cam Lâm đi Vĩnh Hảo đang được thi công, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa – Ảnh: T.T.D.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Minh xoay quanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Cơ bản hoàn thành năm 2025

* Thưa ông, việc triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đến thời điểm hiện nay thế nào, liệu có thể nối thông toàn tuyến như tiến độ đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra?

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

– Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tới TP Cà Mau với chiều dài 2.063km.

Đến nay đã đưa vào khai thác 1.078km; đang thi công 927km, trong đó có 729km thuộc 12 dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025; đoạn từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị với chiều dài 43km, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hoàn tất thủ tục về đầu tư, đang triển khai thủ tục để khởi công trong năm nay.

Với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Đối với đoạn TP Cà Mau – Đất Mũi dài 90km, hiện Bộ GTVT đang rà soát để trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông.

Sau khi được bổ sung vào quy hoạch, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền căn cứ vào nguồn lực và nhu cầu để đầu tư vào thời điểm phù hợp.

* Hiện các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía đông gặp những khó khăn về mặt bằng, vật liệu thi công, đặc biệt là nguồn cát sông. Liệu các dự án có hoàn thành đúng tiến độ?

– Dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần hiện đã hoàn thành 9 dự án thành phần, còn 2 dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt và Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Còn dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ GTVT khởi công ngày 1-1-2023 với 12 dự án thành phần.

Dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ vật liệu, thực hiện đồng thời các bước nên rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư, sau gần một năm từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đã khởi công cả 12 dự án thành phần.

Đến nay, các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu đáp ứng gần 70% nhu cầu dự án. Các mỏ còn lại vẫn gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến giá chuyển nhượng, thuê đất của các hộ dân.

Về mặt bằng, các dự án đã được bàn giao trên 90%. Một số vị trí vướng mặt bằng với tỉ lệ không lớn, tập trung khu vực đông dân cư, hạ tầng kỹ thuật.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cung ứng cát sông cho các dự án Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau bị chậm. Thủ tướng đã giao tỉnh An Giang, Đồng Tháp mỗi tỉnh cấp cho dự án 7 triệu m3 cát, Vĩnh Long cấp 5 triệu m3 cát.

Các địa phương cơ bản đã xác định đủ nguồn cát nhưng thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác còn chậm. Hiện Đồng Tháp cơ bản đáp ứng, An Giang và Vĩnh Long đang chậm.

Hiện Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp địa phương để đẩy nhanh thủ tục giao mỏ, căn cứ sản lượng cung ứng cát thực tế để ưu tiên thi công đoạn đắp cao với thời gian gia tải lớn.

Những đoạn có thời gian gia tải ngắn hơn, xem xét tăng tải để giảm thời gian chờ lún. Nếu nguồn cát sớm được khơi thông, dự án sẽ cơ bản hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Cơ quan chức năng, chính quyền  địa phương đang đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai dự án cao tốc Hòa Liên -  Túy Loan  (Đà Nẵng). Dự kiến đưa vào khai thác  trong năm 2025 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai dự án cao tốc Hòa Liên – Túy Loan (Đà Nẵng). Dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025 – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Áp lực không ảnh hưởng chất lượng công trình

* Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương đầu tư phân kỳ các dự án đường cao tốc để phù hợp với nguồn lực hiện có. Do vậy, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía đông triển khai giai đoạn 2017-2025 đa số đều có quy mô 4 làn xe hạn chế (nền đường 17m, bố trí các dải dừng khẩn cấp 5km/vị trí). Vậy phương án mở rộng các dự án này theo quy mô quy hoạch thế nào?

– Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đưa mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành trục cao tốc Bắc – Nam phía đông, năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Đây là mục tiêu lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Để triển khai các dự án đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT đã căn cứ lưu lượng xe từng đoạn tuyến, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn lực để đề xuất cấp thẩm quyền phương án đầu tư, quy mô đầu tư phù hợp, một số đoạn có lưu lượng lớn như Phan Thiết – Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh (4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp), còn lại đầu tư với quy mô 4 làn hạn chế.

Căn cứ khả năng cân đối nguồn lực Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe hạn chế.

Việc phân kỳ đầu tư cho phù hợp với nguồn lực đầu tư, lưu lượng xe từng đoạn tuyến cao tốc là cần thiết. Vì nếu đầu tư với quy mô đầy đủ thì cần bổ sung nguồn lực đầu tư hoặc phải rút ngắn chiều dài.

Đối với các đoạn tuyến có lưu lượng lớn, vừa qua Bộ GTVT cũng đã rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư mở rộng. Việc triển khai sẽ căn cứ khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu đầu tư từng đoạn để xem xét ưu tiên đầu tư trong tương quan các dự án khác.

* Thời gian qua có một số dự án cao tốc đưa vào khai thác khi chưa hoàn thiện nút giao, hạng mục an toàn giao thông. Liệu áp lực sớm đưa dự án vào khai thác có thể khiến dự án không đảm bảo chất lượng công trình, tiềm ẩn mất an toàn giao thông?

– Năm 2023, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 9 dự án cao tốc, các dự án này được thi công từ đầu năm 2021. Giai đoạn thi công các dự án này gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ, thiếu hụt nguồn vật liệu đắp.

Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết giao mỏ vật liệu cho nhà thầu khai thác nhưng trình tự cấp phép vẫn theo quy trình thông thường nên có những dự án đến tháng 9-2022 các mỏ vật liệu cuối cùng mới được cấp phép. Do vậy chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành theo yêu cầu.

Từ việc xác định đưa tuyến chính vào khai thác để sớm phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thi công hoàn thành đưa vào khai thác tuyến chính và các nút giao chính.

Khi đưa vào khai thác, về cơ bản hệ thống an toàn giao thông đã đầy đủ, chỉ một vài vị trí còn thiếu hàng rào chứ không phải chưa hoàn thành hệ thống an toàn giao thông. Còn lại một số nút giao không phải chính yếu, đường gom sẽ hoàn thiện sau.

Việc đưa vào khai thác các tuyến cao tốc vừa qua đã phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn. Chúng tôi khẳng định việc triển khai thi công như vậy không ảnh hưởng chất lượng công trình.

Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo bộ và các cơ quan tham mưu đều yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu chú trọng quản lý chất lượng công trình, chất lượng công trình là số 1, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng.

Do vậy, không thể nói áp lực sớm đưa dự án vào khai thác ảnh hưởng chất lượng công trình. Nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình cũng cho phép đưa vào khai thác khi công trình hoàn thành từng phần.

Nguồn: TUẤN PHÙNG tổng hợp, cập nhật từ số liệu của Bộ GTVT - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: TUẤN PHÙNG tổng hợp, cập nhật từ số liệu của Bộ GTVT – Đồ họa: TUẤN ANH

Theo Tuổi Trẻ Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *